Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “Thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”.
THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực tiễn chuyển đổi số trên thế giới trong những năm gần đây đã và đang giúp các quốc gia đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Công nghệ thông tin (CNTT) được xác định là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, nhằm cung cấp các công nghệ cơ bản, góp phần thay đổi toàn diện cả về tổ chức, quy trình kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp đến sự tham gia của con người trong quá trình thực hiện. Vì vậy, phát triển và ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số là hết sức cần thiết trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng CNTT - nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số có vai trò hết sức quan trọng, là động lực cơ bản đảm bảo triển khai có hiệu quả các công nghệ và dịch vụ của kinh tế số, từ đó thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam.
Trong giai đoạn 2011-2020, hạ tầng CNTT ở Việt Nam đã được đầu tư, phát triển; công tác nghiên cứu, phát triển ứng dụng CNTT đạt được bước tiến lớn với sự tham gia của nhiểu ngành, sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Cùng với một số thương hiệu viễn thông, CNTT đứng trong top 500 của thế giới như Viettel, FPT... nhiều thành tựu trong lĩnh vực CNTT đã được khẳng định, đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi số. Trong bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế. Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu... Chỉ số phát triển viễn thông của Việt Nam năm 2021 xếp hạng 74/176 nước, tăng ba hạng so với năm 2020. Các nhà mạng Viettel, VNPT, Mobifone đều đã được cấp phép cung cấp dịch vụ Mobile Money.
Có thể nói, hạ tầng CNTT phát triển đồng bộ là “xương sống” giúp việc chuyển đổi số được thuận lợi và hiệu quả. Đến năm 2020, hạ tầng viễn thông quốc gia đã phủ rộng khắp toàn quốc, kể cả các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chất lượng hạ tầng CNTT, viễn thông ngày càng được nâng cao. Việt Nam hiện có 72,7 triệu người sử dụng Internet, đạt tỷ lệ 73,2% dân số, là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới. Hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học. Có hơn 564.000 tên miền “.vn”, đứng thứ 2 ASEAN, top 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương...
Các cơ quan Đảng, Nhà nước; bộ, ban, ngành Trung ương; địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hầu hết đều có mạng thông tin nội bộ, sử dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành, nhiều tổ chức có website riêng. Báo điện tử, trang thông tin điện tử; thương mại điện tử xuất hiện ngày càng nhiều... Hạ tầng dữ liệu quốc gia ngày càng phát triển trong cả khu vực công và khu vực tư. Một số cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã hình thành và phát huy hiệu quả trong cung cấp dịch vụ trực tuyến như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm, cơ sở dữ liệu ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội,… Trong khu vực doanh nghiệp, cùng với đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ số là sự phát triển, hình thành các cơ sở dữ liệu lớn phục vụ khách hàng, kinh doanh.
Nguồn: Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương