Rất ít người có khả năng trở thành một cố vấn dịch vụ ô tô ngay từ ban đầu. Vì tính chất công việc đòi hỏi tính gắn kết giữa nhiều người với nhau, một CVDV không chỉ giỏi kỹ năng mềm mà phải đảm bảo nắm chắc nền tảng kiến thức về ô tô. Ngay cả việc sinh viên ô tô mới ra trường, nếu không rõ kiến thức ô tô (lý thuyết và thực tế) cũng rất khó để đậu “vòng gửi xe” CVDV của một hãng ô tô tại Việt Nam.
1. Trang bị đầy đủ các kiến thức kỹ thuật nền tảng về ô tô
Thông thường, để trở thành cố vấn dịch vụ, các sinh viên ô tô thường mất tối thiểu 6 tháng đi lên kỹ thuật viên. Nếu sau 6 tháng, KTV tiếp thu nhanh và nắm rõ được quy trình cơ bản mà 1 CVDV thực hiện, họ có thể được đề xuất lên thành CVDV (thực tập).
2. Kỹ năng Thuyết phục – Đàm phán – Thương lượng
Cái hay của một CVDV là phải thuyết phục được khách hàng và KTV. Nếu KTV không đồng ý với phương án mà CVDV đề ra cho việc sửa chữa vấn đề trên một chiếc xe, mâu thuẫn giữa KTV và CVDV ngày càng lớn hơn. Công việc từ đó sẽ bị đình trệ, CVDV vừa mang tiếng xử lý công việc không khéo với khách hàng, vừa mất lòng từ phía anh em KTV.
Bài toán cân bằng giữa khách hàng và KTV hiện tại luôn gây đau đầu đối với nhiều CVDV tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ. Rất nhiều CVDV có tâm có tầm luôn biết cách ăn nói khéo léo (điều mà khi học trên ghế nhà trường không một ai dạy cho bạn cả). Và để biết cách ăn nói đó, CVDV giỏi đã phải trả rất nhiều công sức và mồ hôi tiền bạc mới có thể đúc kết được.
3. Nắm bắt tâm lý khách hàng
Ngay từ việc chào hỏi và hẹn lịch buổi đầu tiên, CVDV luôn phải tỏ ra điềm đạm, lắng nghe từ phía khách hàng, không nên vội tư vấn khi chưa đoán được tâm ý của khách.
Phân tích, định hướng dịch vụ khách hàng là điều khiến CVDV đau đầu. Bởi khi tư vấn sai không đúng hạng mục, khách hàng nếu nhận ra việc “đầu tư” của họ không hiệu quả, CVDV sẽ bị chỉ trích nặng nề. Vừa ảnh hưởng đến đại lý vừa ảnh hưởng đến thương hiệu. Kết quả, CVDV sẽ bị đình chỉ công việc.